Truy cập hiện tại

Đang có 63 khách và không thành viên đang online

Ngọn đèn soi sáng cuộc đấu tranh vì tự do và hạnh phúc!

(TUAG)- Các thế lực thù địch luôn ra sức công kích rằng rằng: “Chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời”; “Hồ Chí Minh du nhập con đường đó vào VN là tội đồ của lịch sử”; “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” là “lạc nhịp”, “đi ngược xu thế”... Từ đó, “đề xuất” Đảng ta phải“chuyển hướng”, “đổi đường”,…
 

Tất cả đều là sự ngụy biện, xuyên tạc!

Lịch sử ghi nhận chủ nghĩa tư bản, cụ thể là thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ đã gây ra biết bao tội ác trên đất nước ta. Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, trực tiếp nhìn thấy cảnh đồng bào bị đọa đày đau khổ, chứng kiến và rất khâm phục tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường của bao lớp cha ông… Nhưng, Người sớm nhận ra sự khủng hoảng sâu sắc về đường hướng đấu tranh giải phóng dân tộc: “Sự thất bại của hệ ý thức phong kiến” cũng như “sự bất lực của hệ tư tưởng tư sản” trước thời thế mới… Và đã đi đến một quyết định rất táo bạo: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.

Sau nhiều năm bôn ba tìm kiếm, năm 1917 rời Luân Đôn về Pa ri- nơi đang là trung tâm chính trị của thế giới, Bác kể: “Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tình tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin…”.

Trải qua biết bao thử thách,“thấm dầy thực tiễn”: Đầu năm 1919, Người đi tới sự lựa chọn quan trọng là tham gia Đảng Xã hội Pháp, vì thấy đây là tổ chức theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Quan trọng hơn là “… đã tỏ đồng tình… với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu”. Lúc đó “… trong các chi bộ của Đảng Xã hội, người ta bàn cãi sôi nổi về vấn đề có nên ở lại trong Quốc tế thứ hai, hay là nên tổ chức một Quốc tế thứ hai rưỡi, hoặc tham gia Quốc tế thứ ba của Lê nin?… ”. “Là một đảng viên mới… tôi thấy khó phân tích được các cuộc tranh luận, hình như tất cả mọi người đều đúng”…

Từ năm 1918, Tổng thống Mỹ Uyn-xơn đã công bố chính sách đối ngoại có tính lừa bịp các dân tộc thuộc địa và lệ thuộc. Chiến tranh kết thúc, ngày 18/6/1919, các nước đế quốc họp Hội nghị ở Véc xây. Không ít người đã “ bị mê hoặc bởi những tuyên bố rộng rãi về quyền tự quyết của các dân tộc” của Uyn- xơn. Thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo bản Yêu sách của nhân dân An Nam gởi tới Hội nghị. Dĩ nhiên nó không được chấp thuận.

Bế tắc vẫn chưa thông! Cái cần tìm vẫn chưa thấy…

Mãi đến khi được các đồng chí ủng hộ Quốc tế III đưa cho đọc Luận cương của Lênin,  Người mới tìm được cái mình cần. Bác nói: “ Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao… Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hởi đồng bào bị đọa đầy đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Tháng 12 năm 1920, Bác tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tua với tư cách là đại biểu Đông Dương. Người kể: “Lúc đó, tôi đã nắm vững tiếng Pháp và đã có thể tiến hành tự học chính trị một cách sâu sắc và có thể hiểu rõ các vấn đề quốc tế”. Khi đoàn chủ tịch giới thiệu Nguyễn Ái Quốc là đại biểu Đông Dương, cả Đại hội đứng dậy vỗ tay, lần đầu tiên có một người Việt Nam tham gia đại hội đại biểu của một chính đảng Pháp và là người bản xứ duy nhất trong số đại biểu các thuộc địa có mặt trong đại hội. Ngay tại phiên họp đầu tiên Người đã phát biểu lên án chủ nghĩa đế quốc Pháp dùng lưỡi lê chinh phục Đông Dương. Nhân dân Đông Dương không những bị áp bức và bóc lột mà còn bị hành hạ và đầu độc một cách thê thảm bằng rượu cồn và thuốc phiện, nhà tù nhiều hơn trường học… Người đề xuất: “Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ người bản xứ bị áp bức”, “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa… đánh giá đúng tầm quan trọng của thuộc địa…”.

Điều cực kỳ quan trọng là: “… khi phải xác định rõ thái độ của mình đối với các Quốc tế, tôi đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba. Tại sao? Chính là vì Quốc tế thứ ba đấu tranh để giải phóng các dân tộc bị áp bức, còn các đại biểu của Quốc tế thứ hai, trong tất cả những lời phát biểu của họ, đã ra sức lảng tránh vấn đề vận mệnh của các thuộc địa”. Người khẳng định: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, là tất cả những điều tôi hiểu”.

Kể từ đó, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam[ là một trong những người đồng sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Người tổng kết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”. “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi,…”. “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật”.

Tại Matxcơva, trong dịp kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Bác khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại là ngọn đèn pha soi sáng cuộc đấu tranh cho tự do và hạnh phúc”. Kiên trì đi theo con đường đúng đắn đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã lập nên biết bao kỳ tích; lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay./.

L.C.T
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36704231