Truy cập hiện tại

Đang có 60 khách và không thành viên đang online

Biển và Hải đảo Việt Nam

Vuông lá Trường Sa

Từ Trường Sa trở về, có vị khách đất liền nào lại không muốn mang theo mình chút quà thật đặc biệt: Những trái bàng vuông khô, hay cây bàng vuông con được ươm tươi tốt. Đó sẽ là sự gợi nhắc lặng thầm nhưng sâu lắng nhất, về những trải nghiệm không dễ gì có được nơi đầu sóng ngọn gió thiêng liêng.

1-
Như phảng phất chuyện Mai An Tiêm, từ một quả lạ hình vuông trôi dạt tới đảo vào những năm 1978 - 1979, được những người lính biển nhặt về ươm trồng với hy vọng thêm mầu xanh cho đảo xa, điều kỳ diệu đã xảy ra. Bất chấp khô khát, mặc kệ nắng gió, kiên cường trong bão tố, mầm xanh cứ thế bừng dậy. Để từ đó, bóng bàng vuông nhân khắp các đảo lớn nhỏ Trường Sa. Lại cũng cứ như một hình ảnh cổ tích khác: bóng cây nêu lồng lộng ngày Tết Nguyên đán.

Khác với cây bàng trong đất liền thường rụng lá vào mùa đông, bàng vuông Trường Sa lá xanh quanh năm. Hoa bàng vuông, loài hoa mang sắc trắng pha tím đến nao lòng, rất khiêm nhường chỉ nở về đêm và chỉ từng bông một, cứ thế kế tiếp nhau khoe sắc. Hoa thành quả rồi rụng xuống, quánh lại một màu nâu lẫn với đất mẹ, ẩn tàng một sức sống mãnh liệt. Dẻo dai, kiên cường, tràn nhựa sống, loài cây ấy đã trở thành biểu tượng của chính tâm hồn những người lính biển, trước bạt ngàn sóng gió và thử thách của nhiệm vụ gìn giữ biển trời quê hương.

2- Lính đảo yêu bàng vuông vô cùng. Phải đến Trường Sa, tận mắt thấy các chiến sĩ chăm sóc từng bông hoa, tán lá, hay say sưa kể chuyện về loài “hoa lửa” đặc biệt ấy, mới cảm nhận được tình yêu sâu thẳm mà cháy bỏng này. Thứ tình yêu thấm đẫm cả nhớ nhung, hoài niệm về đất mẹ. Khó khăn, vất vả, đòi hỏi sự chăm chút từng li từng tí, nhưng ai cũng muốn thắp lên bằng được đốm lửa xanh mang mầu nhựa sống ấy. Cây bàng vuông được trồng sau một tháng sẽ được chỉ huy đảo đi nghiệm thu, và nếu cây sống mới được xem là hoàn thành nhiệm vụ. Không phụ công lao người lính, những cây bàng vuông đã sinh sôi khỏe mạnh, cứ xanh ngăn ngắt giữa nắng gió mặn mòi.


Hiên ngang cùng người lính ngày đêm canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bàng vuông còn vỗ về yêu thương, chở che tuổi thơ của lớp trẻ được sinh thành và lớn lên nơi đây; trở thành chứng nhân đặc biệt trong những chuyện tình người lính biển. Sau những giờ tập luyện, làm nhiệm vụ, biết bao thế hệ người lính đã ngồi dưới những gốc bàng vuông để tán gẫu, gảy đàn, hay đọc thư nhà. Gốc bàng vuông đã trở thành những góc kỷ niệm không thể phai mờ trong tâm tưởng.

Tết đến, Xuân về nơi đảo xa, bánh chưng cũng… đặc biệt hơn bánh chưng của đất liền bởi được gói bằng lá bàng vuông, mang đậm hồn thiêng của biển trời quê hương nơi đầu sóng ngọn gió. Khởi đầu là một sự lựa chọn bất đắc dĩ, chỉ để vơi bớt nỗi cồn cào về nồi bánh chưng gói lá dong xanh ngăn ngắn với bếp lửa bập bùng đêm trừ tịch, đến bây giờ, bánh chưng gói lá bàng vuông đã thật sự trở thành một thứ đặc sản, như bao thứ đặc sản trên mọi miền đất nước.

3- Trường Sa chẳng có quà gì lưu niệm, chỉ có bàng vuông. Gửi cây về với khách, những người lính đảo mong mỗi khi nhìn thấy món quà, mọi người lại nhớ đến Trường Sa, cho tình biển đảo - nghĩa đất liền thêm gần gụi. Và theo chân các đoàn công tác về đất liền, bàng vuông cũng đã được nhân lên, trồng tại rất nhiều địa phương. Những cây bàng vuông Trường Sa bén rễ đâm chồi xanh tươi, quả thực, cũng đã trở thành làn gió mát, làm dịu phần nào nỗi nhớ Trường Sa thân yêu.

Có lẽ, ấn tượng nhất trong số đó là cây bàng vuông được anh Vũ Quang Tiệp, một người lính có 10 năm công tác ở các đảo Trường Sa gửi tặng một cuộc đấu giá hồi tháng 3-2015. Cây được thủ trưởng cũ của anh Tiệp chiết cành từ cây bàng vuông tám nhánh nổi tiếng từ đảo Nam Yết, đã trở thành một thành viên thân thiết trong gia đình người lính biển. Ấy vậy, nhưng khi nghe tin cháu Nguyễn Lâm Quỳnh Như, con gái Thiếu úy Nguyễn Văn Thêu - cũng là người lính đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa gặp bệnh hiểm nghèo, cần phải phẫu thuật cấy ghép điện cực ốc tai kịp thời nếu không sẽ bị điếc vĩnh viễn, dẫu rất quyến luyến, cả gia đình anh Tiệp đều đồng thuận chấp nhận “chia tay” bàng vuông, để góp thêm một chút sẻ chia với đồng đội.

“Có thể số tiền không nhiều nhưng tôi hy vọng chuyện cây bàng sẽ thắp lên những ngọn lửa ân tình, chung tay giúp vợ chồng Thêu chữa bệnh cho con”, anh Tiệp tâm sự. Bàng vuông, như thế, còn đại diện cho nghĩa tình của người lính khi nghĩ về nhau, sẻ chia những khó khăn, vất vả giữa đời thường.
 

4-
Và tôi, những ngày cuối năm lạnh giá này, lại được một lần bất ngờ, khi nhận món quà ấm áp là bộ lịch chào năm mới 2016 từ VietinBank. Thật thú vị khi nhân vật chính của mỗi tờ lịch nhắc nhớ xuân, hạ, thu, đông lại chính là bàng vuông - loài cây mãnh liệt, dẻo dai với những chùm hoa rực rỡ, kiên cường giữa biển trời hải đảo.

Giản dị, mộc mạc và thân thuộc, những chi tiết đời thường bên chứng nhân bàng vuông đã được thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa đa chiều, đa mầu. Mỗi chi tiết khắc họa như gợi lại cả vị mặn mòi của biển cả, cả âm hưởng của sóng gió cùng hơi thở của mùa xuân nơi ấy, như trong ký ức còn nóng hổi. Đời cây, đời người ẩn hiện trong từng nét vẽ…

Tôi vẫn kể cho những đứa con của mình về sức sống một loài cây. Tôi biết chúng cũng mong có một ngày được đặt chân lên những mảnh đất thiêng liêng giữa trùng dương ấy, ngồi dưới gốc bàng vuông, nghe các chú hải quân kể chuyện. Và tôi tin rằng nơi đất mẹ này, cũng còn hàng triệu triệu tấm lòng hướng về nơi hải đảo, dù mới mơ hồ hình dung được về dáng bàng vuông qua tấm hình, trang báo.

Những tờ lịch sẽ theo về các vùng miền trên khắp dải chữ S, sẽ rẽ sóng, vươn mây đến với những người Việt xa xứ… Và như thế, Trường Sa không xa!

TRƯƠNG THANH VÂN
Nguồn: Báo ND
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37015492